Khoan hãy nói việc kinh doanh tiền điện tử Bitcoin là đúng hay sai, có thật sự đem lại lợi nhuận hay không, nhưng chúng ta nên biết luật pháp Việt Nam hiện chưa cho phép hình thức kinh doanh này. Sau này chưa biết thế nào, nhưng hiện nay việc kinh doanh tiền điện tử dạng như Bitcoin ở Việt Nam là vi phạm pháp luật.
Bài viết dưới đây được trích đăng lại từ Cảnh sát toàn cầu, cho thấy thực trạng kinh doanh tiền điện tử ở Việt Nam hiện mang nhiều rủi ro, đặc biệt cảnh báo về một loại tiền điện tử mới mang tên Onecoin.
Sau cơn sốt Bitcoin, các nhà đầu tư Việt Nam lại bị cuốn vào “cơn lốc” kinh doanh đồng tiền ảo mới có tên Onecoin, bất chấp những cảnh báo về nguy cơ trắng tay khi mua bán tiền điện tử.
Cơ quan Công an đã khám phá nhiều vụ án cũng nhận được nhiều đơn trình báo của nhà đầu tư tố cáo bị đối tác mua bán trên mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau khi chuyển tiền mặt vào tài khoản của đối tượng nhưng không nhận được tiền điện tử quy đổi…
Kinh doanh Onecoin không khác gì đa cấp
Trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội tại Việt Nam, đồng tiền điện tử Onecoin được quảng cáo với những slogan hấp dẫn như “Onecoin Việt Nam – nơi hội tụ triệu phú”, “cơ hội trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng”, hay “cơ hội đầu tư làm giàu thông minh”… Những diễn đàn này đã vẽ ra cho các nhà đầu tư một viễn cảnh về xu thế mới của đồng tiền điện tử trong kinh doanh thời đại Internet và khẳng định, từ đầu năm 2015, đồng tiền điện tử Onecoin ra đời tiếp nối sự thành công của đồng Bitcoin.
Việc kinh doanh tiền điện tử Onecoin được quảng cáo sinh lợi nhuận nhanh chóng không khác gì phương thức kinh doanh đa cấp. Theo đó, nhà đầu tư lần đầu phải bỏ ra ít nhất 130 eu để tham gia kinh doanh, trong đó 30 eu là phí kích hoạt tài khoản. Trong 30 ngày đầu tiên, nếu tổng doanh số cá nhân đạt 5.500 BV sẽ có cơ hội nhận thưởng 10% hoa hồng trực tiếp.
Ngoài ra, các diễn đàn này còn quảng cáo rằng nhà đầu tư Onecoin còn được trả thưởng bằng các chuyến du lịch định kỳ hoặc đổi điểm thưởng bằng những hiện vật giá trị như đồng hồ Rolex, điện thoại Iphone, máy tính Macbook…
“Tham gia các gói kinh doanh cùng Onecoin bạn có cơ hội nhận thưởng vàng. Trên mỗi gói tham gia bạn nhận được một tỷ lệ đồng vàng Aurum Gold tương ứng. Mỗi một điểm Aurum Gold tỷ lệ bằng 1mg vàng thực. Và khi bạn tích lũy đủ khối lượng vàng, chúng tôi sẽ trao thưởng cho bạn một lượng vàng tương ứng…. Sẽ rất thú vị nếu bạn đang sinh sống tại Việt Nam nhưng có cơ hội thu nhập hàng ngàn euro như những công dân châu Âu khác”…
Theo quảng cáo của những tư vấn viên, giá trị của Onecoin mà nhà đầu tư được hưởng cao hơn nhiều số tiền thật bỏ ra. Không chỉ có thế, giá Onecoin sẽ tăng từ mức dưới 1 euro/coin hiện nay lên 50 -100 USD/coin trong vài ba năm tới, nên chả mấy chốc, nhà đầu tư sẽ 1 lãi 10, thậm chí lãi 100 số tiền bỏ ra. “Đầu tư 5.000 euro, tức gần 150 triệu đồng từ tháng 4/2015, tới tháng 1/2016 bạn sẽ được 1-2 tỉ đồng, tháng 1/2017 bạn được 3-4 tỉ đồng, tháng 1/2018 bạn sẽ được 10-15 tỉ đồng”.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế còn kéo dài, các kênh đầu tư như nhà đất, chứng khoán… vẫn còn mịt mùng, không sinh lợi thì trước những lời mời chào hấp dẫn kiểu “hốt ra bạc” trên, nhiều nhà đầu tư đã lao vào Onecoin với hy vọng tham gia sớm sẽ được hưởng lợi từ những người đến sau như cách hưởng lợi của đa cấp. Theo thống kê của một diễn đàn “đầu tư tài chính Onecoin” thì số thành viên tham gia kinh doanh Onecoin tại Việt Nam đã lên tới trên 400 nghìn người.
Chưa biết “tuổi thọ” của đồng Onecoin sẽ tồn tại đến thời điểm nào? Nhưng nếu các nhà đầu tư tỉnh táo nhìn lại diễn biến đã xảy ra với những đồng tiền điện tử từng gây sốt như Liberty Reserver (LR) và Bitcoin sẽ thấy giật mình trước nguy cơ sẽ trắng tay. Đó là vụ sập sàn Bitcoin Mt.Gox tại Nhật Bản với giá trị quy đổi tương đương hơn 400 triệu USD. Hay vụ sàn giao dịch Bitcoin tại Hồng Kông đột ngột đóng cửa vào cuối năm 2014 mang theo trên 380 triệu USD của các nhà đầu tư khiến thị trường bị một phen chao đảo, nhà đầu tư thì chỉ biết dở khóc dở cười…
Những nguy cơ từ kinh doanh “tiền ảo”
Theo Thiếu tá Vũ Đức Thành, Đội phó Đội 3 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội, tuy mới chỉ xuất hiện khoảng 4-5 năm trở lại đây nhưng việc kinh doanh tiền điện tử đã thu hút được rất nhiều người tham gia, mặc dù không hề hiểu biết về đồng tiền này. Trước đây các đối tượng kinh doanh tiền điện tử thường lập các website và mở tài khoản tại một số ngân hàng để thanh toán việc mua bán tiền điện tử.
Cơ quan Công an đã phát hiện, xử lý một số trường hợp vi phạm về kinh doanh trái phép và trốn thuế, điển hình như trang web “Bank24h.vn” do Nguyễn Văn Bình (SN 1983) ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng điều hành từ tháng 7 đến tháng 12/2013 đã giao dịch số lượng tiền điện tử WMZ tương đương trên 7,5 tỉ đồng. Hay website “xchange.vn” do Đỗ Tuấn Anh ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy lập ra để kinh doanh trái phép các loại tiền điện tử.
Theo khai nhận của Tuấn Anh, việc tăng hay giảm tỷ giá quy đổi từ tiền điện tử sang tiền Việt Nam trên website “xchange.vn” do Tuấn Anh tự điều chỉnh và sửa trên giao diện. Cơ quan Công an xác định, riêng loại tiền điện tử WMZ, tổng số tiền giao dịch trên website xchange.vn tương đương giá trị quy đổi là trên 17 tỉ đồng.
Sau khi Cơ quan Công an xử lý một số vụ việc vi phạm, hoạt động mua bán tiền điện tử chuyển sang dạng “ẩn”, không công khai trên các trang web như trước mà thông qua các mạng xã hội như Facebook, Yahoo và qua các diễn đàn mạng, các trang web đặt máy chủ ở nước ngoài, kinh doanh đủ các loại tiền điện tử như Bitcoin, PM, WMZ, OKpay và gần đây là đồng Onecoin.
Thiếu tá Vũ Đức Thành phân tích, việc mua bán tiền điện tử diễn ra trên mạng, lại chưa được pháp luật Việt Nam công nhận nên phát sinh rất nhiều rủi ro mà người tham gia kinh doanh không lường hết được. Thời điểm năm 2014, khi đồng Bitcoin đang “làm mưa làm gió”, Cơ quan Công an cũng nhận được nhiều đơn trình báo của nhà đầu tư tố cáo bị đối tác mua bán trên mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau khi chuyển tiền mặt vào tài khoản của đối tượng nhưng không nhận được tiền điện tử quy đổi.
Đầu tháng 6 vừa qua, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã bắt giữ 2 cha con có hành vi cướp tài sản mà nguyên nhân cũng xuất phát từ việc lừa đảo khi mua bán tiền điện tử. Các đối tượng bị bắt gồm Nguyễn Văn Trường (46 tuổi) và Nguyễn Tiến Đạt (23 tuổi) ở phường Định Công, quận Hoàng Mai. Trước đó, Đạt lên mạng giao dịch với một người tên Quang để bán 10.000 Vcoin với giá 8,5 triệu đồng. Số tiền điện tử này đã được chuyển vào tài khoản cho Quang. Quang hẹn sẽ cho một người tên Toàn đến trả tiền mặt. Tuy nhiên, đây chỉ là một mánh lừa đảo của đối tượng Quang.
Sau khi chiếm đoạt được tiền Vcoin, Quang thuê anh Nguyễn Văn Toàn là lái xe taxi lừa nói là đến gặp Đạt để “lấy tài liệu” mang lên sân bay cho anh ta. Anh Toàn tưởng thật nên đã đến gặp Đạt. Nghĩ rằng anh Toàn là đồng bọn với Quang, hai bố con Trường và Đạt đã đòi tiền và đánh đập, dọa dẫm, ép anh Toàn phải gọi điện thoại vay mượn người thân tiền để đưa cho Đạt. Mặc dù là nạn nhân của vụ lừa đảo mua bán tiền điện tử nhưng hành vi của hai bố con Đạt đã phạm vào tội “cướp tài sản”.
Bên cạnh đó, do đồng tiền điện tử chưa được thừa nhận tại Việt Nam nên chưa được pháp luật bảo vệ. Trong quá trình kinh doanh, khi xảy ra các vấn đề như tranh chấp, bị hacker xâm nhập, chiếm tài khoản, sẽ không có cơ quan nào giải quyết.
Một rủi ro khác là tỷ giá của đồng tiền điện tử lên xuống thất thường, không có sự điều tiết của Ngân hàng Nhà nước nên nhà đầu tư sẽ mất nhiều hơn là được. Giá trị đồng tiền ảo do cá nhân sáng lập ra đồng tiền chi phối nên kinh doanh tiền ảo giống như cuộc chơi của nhà cái, vừa đá bóng vừa thổi còi. Hoạt động đến thời điểm nào đó, “nhà cái” đánh sập mạng, các nhà đầu tư sẽ trắng tay không khác gì rủi ro đã xảy ra ở các sàn vàng ảo. Trong khi đó, hiện Bộ luật Hình sự chưa có quy định về tội danh mua bán tiền điện tử nên việc xử lý vi phạm hiện mới chỉ dừng ở các chế tài xử lý hành chính.
Theo Cảnh sát toàn cầu