Facebook có vẻ như đã dần trở nên quá quen thuộc với cuộc sống thường ngày của rất nhiều người. Từ những câu chuyện vụn vặt của đời sống cá nhân cho đến những bản tin nhanh chóng được cập nhật mỗi ngày, hay thậm chí là hàng tấn những bài viết đậm màu PR của các công ty mang dáng dấp của những chia sẻ.. đó là những gì mà người dùng đang nhận được từ Facebook, và mỗi ngày Facebook lấy đi không ít thời gian của chúng ta.
Facebook: Kẻ “gặm nhấm” thời gian của người dùng?
Này nhé, sáng dậy, điều đầu tiên mà bạn làm với chiếc smartphone của mình là gì? Vô công ty, điều đầu tiên bạn làm khi bật máy tính lên là gì? Có nhiều người sẽ là những công việc khác, nhưng không ít là kiểm tra xem mình có thông báo gì mới từ Facebook, hay nói chính xác hơn, luôn có thông báo mới từ Facebook, và điều họ làm như một phản xạ là xem thông báo mới đó là gì… Rõ ràng chúng ta đang tiêu tốn thời gian cho Facebook quá nhiều. Facebook như một con thú gặm nhấm dần dần thời gian của người dùng, từng tí một khiến cho chúng ta không nhận ra điều đó. Thử thống kê lại xem, và tính chính xác nhé, một ngày bạn mất bao nhiêu thời gian cho việc đọc “điều gì đó”, tương tác, trả lời qua Facebook, Messenger, và những mạng xã hội khác của Facebook như Instagram, WhatsApp?
Các nhà đầu tư cảnh báo về “ngày tàn của Facebook”?
Facebook dường như đã cắm rễ quá sâu vào đời sống của chúng ta, những người dùng sống trong thời đại của thiết bị di động, và internet gần như phủ khắp mọi nơi. Như vậy, chắc bạn đang tự hỏi, như thế thì Facebook làm sao mà chết, mà sụp đổ được? Tuy nhiên, mới đây, một biên tập viên của Business Insider đã viết một bài dự báo về tương lai của Facebook, và cho rằng các nhà đầu tư đang có “những dự cảm không lành” về Facebook trong tương lai không xa.
Theo Jim Edwards, biên tập viên Business Insider, trong thời gian qua các nhà đầu tư đang nhận thấy ở Facebook nhiều tín hiệu mang tính tiêu cực như bảo mật người dùng, những chính sách về News Feed mới của Zuckerberg đang làm giảm sự tương tác của người dùng… Cụ thể như sau:
+ Tín hiệu tiêu cực từ phía các nhà quảng cáo: Với nỗ lực xoa dịu sự phẫn nộ xoay quanh cách Facebook thu thập và bán dữ liệu người dùng, Zuckerberg tuyên bố sẽ chấm dứt chương trình “Danh mục Đối tác” vốn cho phép nhà quảng cáo nhắm mục tiêu đến người dùng dựa trên dữ liệu bên thứ ba. Danh mục Đối tác có vẻ không phải là một mảng kinh doanh lớn của Facebook, tuy nhiên đây vẫn là một hạng mục quan trọng.
+ Tín hiệu tiêu cực từ phía engagement (số lượng người click vào bất kì vị trí nào trên bài đăng của bạn): Nếu cái quay lưng của Zuck với tin tức trong News Feed làm giảm số lượng người click, hãy chờ xem cổ phiếu có lẽ sẽ lại sụt giảm nữa sau cuộc họp báo cáo tài chính kế tiếp.
+ Tín hiệu tiêu cực từ phía luật GDPR (tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu chung) và ePrivacy (luật an ninh mạng tại Châu Âu và Châu Mỹ): EU chuẩn bị giáng một đòn mạnh lên Facebook vì lý do tất cả người dùng ở châu Âu sắp lại phải cấp quyền cho toàn bộ dữ liệu mà Facebook lấy từ họ. Trong khi đó, 20% người dùng Facebook là người châu Âu. Người châu Âu sử dụng Facebook nhiều hơn người Mỹ. Những người dùng này có khả năng giảm chia sẻ với Facebook và do đó giảm engagement, nếu Facebook buộc phải tuân theo các điều luật mới.
+ Tín hiệu tiêu cực từ phía quy định của Mỹ: Zuckerberg nói rằng anh hy vọng được điều chỉnh. “Tôi thực sự không chắc chắn chúng ta có thể được điều chỉnh. Theo tôi, công nghệ nói chung là một xu hướng ngày càng quan trọng trên thế giới. Tôi nghĩ rằng câu hỏi đặt ra là quy định đúng chứ không phải ‘có hoặc không việc chúng ta có thể được điều chỉnh'”.
+ Dấu hiệu tiêu cực từ phía cổ phiếu: Việc kiểm soát quyền biểu quyết của Zuckerberg đối với cổ phiếu – ngay cả khi anh bán cổ phần của mình trong công ty – nói cách khác Facebook là vương quốc cá nhân của Zuck. Đây không phải là một công ty quan tâm đến việc làm lợi cho các nhà đầu tư và Zuckerberg đã phạm sai lầm.
+ Tín hiệu tiêu cực từ phía người dùng: #DeleteFacebook đang trở thành xu hướng. Trước đó không lâu, khi rơi vào tình huống tương tự, Uber đã mất 5% thị phần trong vài tuần.
Cần phải nhắc lại một lần nữa không gì trong số những động thái này có thể “giết chết” Facebook, nhưng chắc chắn sẽ khiến người dùng không còn hào hứng. Có thể đến một ngày Facebook sẽ giống email – một thứ ai cũng có nhưng lại cố gắng hạn chế sử dụng.
Đây là vấn đề đang được xác định bởi các nhà phân tích chứng khoán ở thời điểm này.
Hầu hết các nhà phân tích đánh giá cổ phiếu Facebook là đáng mua, nhưng họ lại không thích những câu chuyện xung quanh.
“Dường như không nhiều người sử dụng hiểu hết được tầm quan trọng của dữ liệu cá nhân mà Facebook và những kẻ khác thu thập”.
“Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 79% người tiêu dùng ở EU không biết rằng GDPR đang được thi hành, sau khi được thông báo, 82% trong số đó cho biết họ sẽ sử dụng quyền hạn mới của mình (tức là xem lại, giới hạn, hoặc xóa dữ liệu của mình). Điều này, cộng thêm sự kiểm soát kỹ lưỡng xung quanh vấn đề bảo mật dữ liệu, cho thấy nguy cơ những phản ứng tiêu cực từ phía người dùng nhằm làm giảm khả năng Facebook truy cập vào dữ liệu của mình”, Brian Nowack từ Morgan Stanley chia sẻ với khách hàng của mình.
Điều tồi tệ hơn nữa có thể xảy đến. Scandal Cambridge Analytica là một sự việc rùm beng không phải vì ai đó đã làm gì bất hợp pháp, mà vì hầu hết người dùng đều không biết là Facebook đang nắm được bao nhiêu dữ liệu của họ. Một khi họ phát hiện ra thì thật không hay.
Lloyd Walmsley và nhóm Deutsche Bank của mình cho hay: “Những gì người dùng chọn chia sẻ với Facebook chỉ là một phần nhỏ trong những gì công ty này biết về người dùng của mình. Facebook tập hợp hàng tấn dữ liệu, từ các công ty môi giới bên thứ ba và các công ty công nghệ quảng cáo (ví dụ như Liveramp), kết hợp lại với nhau để có được bức tranh toàn cảnh hơn về người dùng. Dường như là không nhiều người sử dụng hiểu hết được tầm quan trọng của dữ liệu cá nhân mà Facebook và những kẻ khác thu thập”.
Điều đó có thể dẫn đến những sự điều chỉnh khác – theo cách tiêu cực – chống lại Facebook.
“Rõ ràng là một số lượng lớn dữ liệu bị thu thập và cách thức sử dụng những dữ liệu này là một cú sốc lớn đối với người tiêu dùng. Nếu có, sự việc trở nên nguy hiểm hơn bởi vì (a) nó khiến người tiêu dùng phản đối người chơi trực tuyến hoặc, tệ hơn, (b) nó là một chất xúc tác cho các quy định chặt chẽ tại Hoa Kỳ (có lẽ là theo hướng EU đang thực hiện)”, Thomas Singelhurst và nhóm nghiên cứu tại Citi chia sẻ với khách hàng của họ.
Theo VnReview, Business Insider