Ngay sau khi Associated Press đưa ra bản báo cáo kết luận về cuộc điều tra cáo buộc “lừa dối người dùng” của Google, gã khổng lồ tìm kiếm đã âm thầm cập nhật thông tin trên trang trợ giúp của mình để mô tả cách cài đặt tính năng Location.
Cụ thể, trước đó, trên trang trợ giúp về tính năng Location của Google, họ cho biết “Nếu tắt Location History, Google sẽ không lưu trữ những điểm đến của bạn nữa”. Thế nhưng, có vẻ như mô tả này đã không đúng khi hãng thông tấn lớn nhất Mỹ kết luận Google vẫn âm thầm thu thập dữ liệu Location của người ngay cả khi tính năng Location History được tắt.
Sau khi Associated Press đưa ra kết luận trong bản cáo điều tra của họ, Google đã sửa lại trên trang trợ giúp là “Cài đặt này không ảnh hưởng đến các dịch vụ vị trí khác trên thiết bị của bạn,” và “một số dữ liệu vị trí có thể được lưu như một phần hoạt động của bạn trên các dịch vụ khác, như Google Search và Google Maps”.
Chỉ có điều, Google đã làm điều này một cách thầm lặng, chứ không có một thông báo chính thức đến người dùng của mình. Và theo như Associated Press, Google cần phải xin lỗi người dùng vì hành vi “không minh bạch” của mình. “Việc thay đổi thông tin sai lệch một cách yên tĩnh là một sự vi phạm lớn về niềm tin của người dùng. Google cần làm tốt hơn”, trang Business Insider dẫn lời Associated Press cho biết.
Tuy cuối cùng thì Google đã lên tiếng thừa nhận rằng họ đã âm thầm theo dõi vị trí của mình ngay cả khi họ tắt tính năng Lịch sử vị trí, nhưng điều này không quan trọng bằng việc Google một lần nữa đã khiến cho niềm tin của người dùng vào họ bị lung lay.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Google khiến cho người dùng thất vọng vì tự phá gãy những quy tắc của mình, lừa dối người dùng.
Business Insider nhắc lại trong quá khứ Google đã có những vi phạm “khó có thể chấp nhận được”.
Cụ thể, năm 2010, Google đã lén lút theo dõi thông tin Wi-fi của người dùng thông qua ứng dụng Google Street trên được cài đặt trên xe hơi.
Sau đó 1 năm, năm 2011 Google bị Bộ Tư pháp Mỹ phạt 500 triệu USD vì đã cho phép quảng cáo trái phép từ các hiệu thuốc ở Canada để các hiệu thuốc này bán sản phẩm của họ đến khách hàng là người Mỹ.
Năm 2012, Google tiếp tục phải nộp phạt 22,5 triệu USD cho Ủy ban Thương mại Liên bang của Mỹ vì đã vi phạm chính sách không được cài đặt cookie trên trình duyệt Safari của Apple.
Theo Associated Press, cuối cùng thì Google đã xử lý và vượt qua mọi chuyện một cách “êm thắm” nhờ vào việc tung tiền nộp phạt, dự vài buổi xét xử ở tòa án.. và hầu như không có gì xảy ra mang tính mấu chốt khiến gã tìm kiếm bị ảnh hưởng. Google vẫn tiếp tục kiếm tiền từ các dịch vụ của mình, và người dùng thì, vẫn tiếp tục sử dụng các dịch vụ của Google như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Không chỉ riêng Google, Facebook, mạng xã hội hàng tỷ người dùng toàn cầu cũng đã từng khiến cho người dùng thất vọng vì bị lừa dối, bị sử dụng thông tin cá nhân của mình như một công cụ để thực hiện những mục đích riêng – không phải cho việc sử dụng dịch vụ tốt hơn của các ông lớn.
Dường như nếu như các công ty như Google và Facebook có quá nhiều người dùng, họ dễ dàng tạo nên một bức tranh mang màu sắc bất bình đẳng đối với các công ty khác. Theo thống kê từ StatCounter, Google hiện đang chiếm đến 90% thị phần tìm kiếm, trong khi công cụ tìm kiếm lớn thứ 2, đứng ngay sau Google là Bing của Microsoft chỉ chiếm 3% thị phần.
Như vậy, giả như một ngày nào đó Google bị sụp đổ, sẽ là một thảm họa cho rất nhiều người khi đã trở nên quá quen với các dịch vụ của Google, đặc biệt là tìm kiếm. Và nếu như, xuất hiện một công cụ tìm kiếm mới nào đó, chắc chẳn nó sẽ phải mất một thời gian rất dài để thế chỗ cho “tượng đài” Google Search.\
Liệu điều đó có xảy ra? Câu trả lời là: Rất khó!
Vì sao ư? Trong suốt gần 20 năm qua, thế giới dường như đã bị thống trị bởi đế chế Google trong trò chơi mang tên “công cụ tìm kiếm”. Google và hàng tá dịch vụ khác của họ như Gmail, Youtube… đã trở nên quá quen thuộc và dần trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống cá nhân cũng như trong công việc của hàng tỷ người.
Hiển nhiên là không chỉ có mỗi Google mới có những dịch vụ như vậy, hiện có khá nhiều công ty đang cung cấp những dịch vụ tương tự, nhưng không thể không nói rằng các dịch vụ mà gã khổng lồ tìm kiếm thuận tiện hơn nhiều, và đặc biệt là quá quen thuộc và là một điều gì đó gắn liền với thói quen..
Google hiện đã trở thành một công ty công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực ứng dụng phần mềm và tìm kiếm. Trong 2 thập kỷ qua, Google đã khiến cho hàng tỷ người dùng trên thế giới quen thuộc với sự có mặt của mình trong mọi hoạt động của đời sống, công việc, giải trí với chất lượng sản phẩm ngày càng được cải tiến tốt hơn. Nhưng, một lúc nào đó, chúng ta tự hỏi liệu có sự kiện nào (nếu có) có thể khiến mọi người bỏ một dịch vụ lớn và thuận tiện và mạnh mẽ như Google một lần và mãi mãi hay không?
Biên tập viên Dave Smith của Business Insider đã đưa ra một câu trả lời là: Dường như sẽ không bao giờ xảy ra chuyện đó, trừ khi gã khổng lồ bị sụt giảm nghiêm trọng về chất lượng dịch vụ của mình. Và điều đó thì, theo những gì chúng ta thấy ở gã khổng lồ gần 2 thập kỷ qua, chẳng bao giờ họ cho phép điều đó xảy ra. Suy cho cùng, hiếm có một công ty nào đặt mục tiêu lợi ích của người dùng lên trên hết như là Google, dù đôi khi họ vẫn mắc phải một số sai lầm, vi phạm khiến cho lòng tin của người dùng vào họ bị suy giảm, và chuyện đó không hề gì vì nó sẽ được lấp đầy ngay sau đó với những thay đổi tốt hơn về chất lượng dịch vụ.
Điều mà Google cần làm là: Nếu có sai sót, hãy thừa nhận. Và dường như gã khổng lồ đang nợ người dùng của mình một lời xin lỗi chân thành sau những sai sót vừa qua..
Theo Zen
Blog Công nghệ ShortLink