Có lẽ bạn không còn lạ gì từ “Bitcoin” nữa. Nhưng trả lời cho câu ‘Bitcoin là gì?’ có lẽ không phải ai cũng trả lời được, vì không mấy ai thật sự tìm hiểu về Bitcoin ở Việt Nam. Đâu đó nghe loáng thoáng ‘tiền ảo’… thì cảm thấy Bitcoin là điều gì đó không thực, thậm chí xem những người đầu tư Bitcoin là ‘ảo tưởng’. Mình không không có ý nói gì về Bitcoin, chỉ xin trích đăng lại 1 bài viết trên một webiste nói về Bitcoin để các bạn tham khảo.
Website này chỉ ra những điều mà tác giả cho rằng mọi người đang hiểu sai, ngộ nhận về Bitcoin. Trong đó, có 6 điều như sau:
Mục lục
1. Bitcoin là ảo suy ra nó không có giá trị
Một người bạn của tôi, anh Cơm Thiu, có bình luận trong một bài viết tôi đăng trên FB như sau:
“Ý tưởng cũng ảo nhưng không có ý tưởng thì chả có cái gì thật hết. Theo mình, ảo hay thật ở chỗ nó có tác động đến thế giới như nào, tính vật lý hay phi vật lý không có ý nghĩa mấy.”
Facebook Likes, Followers, lượt views, đồ vật trong games và rất nhiều thứ khác cũng là ảo, nhưng vẫn có những người sẵn sàng bỏ tiền ra để mua chúng. Đối với họ những thứ đó có giá trị. Tôi vẫn luôn lặp đi lặp lại trong các bài viết nói về Bitcoin của mình rằng, giá trị là một khái niệm chủ quan, nó có giá trị đối với những người coi nó có giá trị, hay nói cách khác là có thể bạn không nghĩ nó có giá trị không có nghĩa là người khác cũng nghĩ như bạn. Đối với rất nhiều người, họ xem Bitcoin là có giá trị và sẵn sàng bỏ ra vài trăm đô để sở hữu một bitcoin.
Vì giá trị là một khái niệm chủ quan, và thay đổi theo thời gian và không gian, vào những ngày tháng đầu tiên, giá trị của một bitcoin chưa tới một xu, nhưng sau 5 năm thăng trầm và phát triển, mọi thứ đã thay đổi. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta khẳng định chắc chắn càng ngày tỉ giá của nó sẽ càng tăng – vì không ai nói trước được tương lai, một ngày nào đó nó sẽ sụp đổ hoàn toàn cũng là một khả năng (tuy nhiên chúng ta cũng còn phải xem xét đến tính khả dĩ của khả năng đó như thế nào) – nhưng cũng có nhiều người đặt niềm tin vào điều đó, họ chấp nhận rủi ro đầu tư vào nó, họ là những người “liều ăn nhiều” (thua cũng nhiều), “Có chí làm quan, có gan làm giàu” (nhiều khi giàu có chủ yếu là do may mắn mà ra).
Câu hỏi được đặt ra là: Bạn thuộc loại người nào? Bạn thuộc loại người thích an toàn? Không sao, đa số mọi người đều thích an toàn. Tôi không phê phán hay chỉ trích những người thích sống an toàn. Chúng ta hãy cho nhau tự do, hãy để mọi người được sống theo cách của họ, miễn là đừng làm hại ai là được. Cá nhân tôi là một người thích mạo hiểm, nếu không đủ mạo hiểm thì tôi đã không tham gia vào thế giới bitcoin này.
Những ngày đầu của Bitcoin, có người đã bỏ ra 10,000 bitcoins để mua lấy 2 hộp pizzas.Sự trao đổi này có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là giá trị của 2 hộp pizzas đó đã được “nhập” vào 10,000 bitcoins, nếu 10,000 bitcoins đó không mua được gì hết đồng nghĩa nó vô dụng, không có giá trị; giao dịch đó lập tức biến 10,000 bitcoins đó trở thành có giá trị. Khi Bitcoin càng ngày càng trở nên phổ biến hơn, càng ngày càng có nhiều người dùng bitcoins để mua những món hàng thật sự (VD: Lamborghini $200,000, Villa $500,000, hay những món hàng từ 2 công ty lớn là Overstock.com, Tigerdirect.com) thì giá trị của những đồng tiền tệ kĩ thuật số này càng ngày càng được củng cố bằng những thứ hoàn toàn có thật, có thể mua được như tiền bình thường. Bạn hiểu tôi đang nói gì không?
Thực chất, Bitcoin là ảo, ảo vì nó chỉ tồn tại trên Internet, không có tính vật lý, không sờ, nghe, nhìn, nếm, ngửi được. Nhưng như tôi đã chứng minh, ảo không có nghĩa là không có giá trị, không có gì xa sự thật hơn điều này. Nhưng, hiện nay có lẽ đa số đều đánh đồng quan niệm cho rằng ảo đồng nghĩa với vô dụng, vô tích sự. Vì thế khi nói về Bitcoin tôi tránh không nhắc đến chữ “ảo” bởi vì không có từ nào dễ gây hiểu lầm bằng từ này.
Nhiều người vẫn còn tin rằng tiền giấy trước khi được in ra phải được bảo chứng bằng vàng. Sự thật không phải thế, tất cả các nước trên thế giới đều đã không còn áp dụng hình thức gắn kết giữa tiền và vàng (thuật ngữ gọi là Gold Standard, tiếng Việt: Bản Vị Vàng) từ lâu rồi, các nước chỉ dự trữ một số lượng vàng nhất định trong kho vàng của mình. Tiền giấy ngày nay được phát hành dựa trên cơ chế Dự Trữ Tỉ Lệ bởi tất cả các nước.
Nếu ngày xưa tiền giấy có giá trị là vì nó được bảo chứng bằng vàng, vậy thì vàng có giá trị là vì nó được bảo chứng bằng gì? Câu trả lời là không bằng gì hết, tự thân nó đã có giá trị. Một lần nữa chúng ta trở lại với khái niệm giá trị. Tại sao vàng lại có giá trị? Có nhiều lý do: Quý hiếm, thẩm mỹ, dễ lát mỏng, chia nhỏ, có những đặc tính vật lý và hóa học đặc biệt. Rõ ràng, vàng có giá trị, tuy nhiên giá trị đó cũng thay đổi theo thời gian, sức mua của một lượng vàng cách đây 100 năm khác với sức mua của một lượng vàng ngày nay. Bitcoin cũng giống như vàng, tự thân nó có giá trị mà không cần phải được một cái gì đó bảo chứng. Tại sao?
Dưới đây là một số điều bạn cần biết về Bitcoin:
- Quý hiếm: tổng cộng sẽ chỉ có 21 triệu bitcoins tồn tại trên đời
- Không lạm phát
- Dễ chia nhỏ: một bitcoin có thể chia ra được 10 triệu đơn vị
- Nhanh chóng: gửi bitcoins cho người khác cách nửa vòng trái đất chưa tới 10 phút
- Chi phí cực kì thấp
- Trực tiếp, không qua trung gian, không cần ngân hàng, không cần dịch vụ
- Không thể làm giả
2. Bitcoin là ẩn danh, suy ra nó là một công cụ cho tội phạm rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp
Bitcoin không hề ẩn danh, toàn bộ tất cả các giao dịch khắp thế giới đều được lưu lại trên blockchain, có thể hiểu như một cuốn sổ cái vô hạn trang khổng lồ, mọi bitcoin đều có thể được truy ra nơi xuất xứ của nó.
Tiền mặt mới thật sự là ẩn danh. Thực sự thì tiền mặt đã và đang được giới tội phạm sử dụng rất nhiều cho rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp. Nói vậy chẳng lẽ chúng ta cấm luôn tiền mặt sao? Đây chỉ là mặt trái của vấn đề, và bất cứ vấn đề nào cũng có mặt trái của nó. Phiến diện và tiêu cực là những ai chỉ biết nhìn vào mặt trái mà phớt lờ đi mặt phải. Một con dao có thể dùng để cắt gọt và làm được nhiều việc có ích khác, nó cũng có thể dùng để giết người. Chúng ta không thể và không nên cấm dùng dao chỉ vì nó có thể dùng để giết người. Cái chúng ta nên làm là để cho những gì tích cực có cùng một cơ hội để phát triển. Tôi tin rằng trên thế giới này có nhiều người tốt hơn người xấu.
3. Bitcoin không an toàn
Nếu một người nắm vững được những vấn đề cơ bản về cách bảo vệ số bitcoins của mình (paper wallet) thì số bitcoins đó là bất khả xâm phạm không khác gì bỏ tiền, vàng vào một két sắt chống cháy. Không sợ virus, và cũng không bao giờ bị hack.
4. MT Gox sụp đổ suy ra Bitcoin sụp đổ
MT Gox là một dịch vụ, Bitcoin là một công nghệ, một giao thức. Sự sụp đổ của MT Gox không hề liên quan gì đến mạng lưới Bitcoin, mà có liên quan tất cả đến sự bất cập trong khâu quản lý, điều hành của chính nó. Cũng giống như Email sẽ không sụp đổ chỉ vì Gmail sụp đổ.
5. Biến động mạnh và phức tạp trong thời gian ngắn, ẩn chứa nhiều nguy cơ về bong bóng, tiềm ẩn gây thiệt hại cho người đầu tư
Không có sự đầu tư nào mà không ẩn chứa rủi ro, vấn đề chỉ là ít hay nhiều. Và vì thế một người không bao giờ nên đầu tư quá số tiền mình có thể mất. Nếu đã biết tỉ giá Bitcoin có thể biến động mạnh thì một người nên cân nhắc thật kĩ trước khi đầu tư vào nó. Nếu có thua lỗ thì đó cũng là sự lựa chọn của bạn, và chỉ có bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm cho sự đầu tư đó. Thế giới này tốt đẹp hơn nhiều khi người ta biết chịu trách nhiệm cho những hành động của họ, thay vì nhờ một ai đó đứng ra cứu giúp, bảo vệ. Một xã hội sẽ không bao giờ trưởng thành được khi đa số mọi người ai cũng có tư tưởng đó.
6. Hầu hết các nước không chấp nhận bitcoin
Nhận xét này không đúng sự thật. Nhìn vào bản đồ này sẽ rõ;
Ghi chú: Bản đồ này được cập nhật vào ngày 7 tháng 2, 2014 (VN vẫn còn màu đỏ), sau khi NHNN Việt Nam tuyên bố không công nhận Bitcoin là tiền tệ vào ngày 27 tháng 2, 2014, suy ra Bitcoin không chịu sự quản lý của NHNN, suy ra Bitcoin vẫn không bị cấm tại Việt Nam.
Tác giả: Nguyễn Hoàng Huy/Hình ảnh: Habarithor, Wiki Commons