Mới đây, trên VTV có đăng 1 bài viết tựa đề “Nên quản lý tiền ảo Bitcoin thế nào?”. Tác giả bài viết cũng chưa thật sự đưa ra được phương hướng quản lý bitcoin ở Việt Nam, tuy nhiên, nhận định cho rằng nên đánh thuế và tránh thất thu cho ngân sách nhà nước từ các hoạt động đầu tư, kinh doanh bitcoin.
Đáng lưu ý là, mới đây ngân hàng nhà nước Việt Nam đã chính thức cấm việc sử dụng bitcoin như là phương tiện thanh toán và đưa ra mức phạt lên đến 200 triệu đồng, kèm theo khởi tố hình sự các hành vi sử dụng bitcoin để thanh toán.
Dưới đây là nguyên văn bài viết “Nên quản lý tiền ảo Bitcoin thế nào?” trên VTV. Còn bạn, bạn nghĩ sao về bitcoin ở Việt Nam? Có nên quản lý bitcoin, và nếu có thì quản lý như thế nào?
“Phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam” – Thông cáo mới nhất phát đi từ Ngân hàng Nhà nước tái khẳng định không coi Bitcoin và các loại tiền điện tử là phương tiện thanh toán.
Tuy nhiên, giao dịch Bitcoin và tiền ảo vẫn đang diễn ra ở Việt Nam. Chỉ cách đây ít ngày, trường Đại học FPT đã chấp nhận sinh viên nộp học phí bằng Bitcoin, trước mắt áp dụng với sinh viên nước ngoài.
Theo Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT, sinh viên có thể chuyển Bitcoin vào một tài khoản của nhà trường, trường sẽ cấp một học bổng tương ứng. Còn tại sàn giao dịch, Bitcoin cũng được mua bán công khai, với giá trị giao dịch lên đến hàng tỷ đồng mỗi ngày.
Theo luật liên bang của Mỹ, Bitcoin được xem là một loại hàng hóa cơ bản, giống dầu thô hay lúa mì. Và để quản lý, đánh thuế những giao dịch hàng đổi hàng liên quan đến Bitcoin, Sở Thuế vụ Mỹ quy định đánh thuế Bitcoin dưới danh một dạng tài sản vốn.
Người đóng thuế tại Mỹ nếu bán hàng hóa đổi lấy Bitcoin phải thêm giá trị Bitcoin nhận được vào báo cáo thuế thu nhập hàng năm. Giá trị này được tính theo tỷ giá tại thời điểm người đóng thuế nhận được tiền thuật toán, hay tại thời điểm in trên hóa đơn bán hàng.
Nếu Bitcoin được tích trữ dưới dạng vốn (tương tự như cổ phiếu, trái phiếu và các loại tài sản đầu tư khác), người nộp thuế Mỹ phải báo cáo đầy đủ lãi lỗ. Nếu đầu tư có lãi, thuế sẽ được thu tương tự như thu nhập đến từ cổ phiếu, trái phiếu và các loại tài sản đầu tư khác.
Người “đào” Bitcoin cũng là đối tượng phải đóng thuế. Những cá nhân thực hiện việc “đào” Bitcoin tại Mỹ sẽ phải đóng thuế cho khoản giá trị Bitcoin “đào” được, nộp vào khoản thuế thu nhập cá nhân hàng năm.
Giá trị Bitcoin được tính theo tỷ giá thị trường ngày “đào” được. Thù lao, lương thưởng trả dưới dạng Bitcoin cũng sẽ được tính thuế, tương tự với Bitcoin được sử dụng trong quá trình chi trả, thanh toán bằng Bitcoin. Người nộp thuế không thực hiện những nghĩa vụ thuế với Bitcoin sẽ bị xử phạt theo luật định Mỹ.
Lần đầu tiên, một vụ kiện liên quan đến tiền điện tử Bitcoin được đưa ra tòa vào tháng 9 năm nay. Cũng chính vì những cách hiểu khác nhau: “Liệu tiền điện tử có phải là hàng hóa?” từ các cơ quan quản lý đã khiến vụ kiện này trở thành có một không hai.
Tháng 6/2017, ông Nguyễn Việt Cường, TP Bến Tre kiện Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Bến Tre và Cục trưởng Cục Thuế tỉnh về quyết định truy thu thuế đối với việc kinh doanh tiền điện tử của ông. Số tiền bị truy thu là 2,6 tỷ đồng gồm tiền thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Theo VTV