Theo ông David Lyford Smith – ICAEW – trong giao dịch Bitcoin, ai cũng có thể xem lịch sử giao dịch nhưng không thể truy xuất danh tính người thực hiện giao dịch.
Ngày 14/11, Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales tại Việt Nam (ICAEW) tổ chức hội thảo những thách thức của khoa học, công nghệ thông tin, cách mạng 4.0 và blockchain đến ngành Tài chính – Kế toán.
Theo đó, khái niệm Bitcoin và blockchain xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 2008, được coi như một hệ thống tiền mặt đồng cấp cho phép theo dõi đồng tiền bằng hệ thống. Vẫn với blockchain về Bitcoin công bố năm 2008 đến nay đã phát triển mạng lưới với giá trị trên 100 tỷ USD.
Ông David cho biết hiện nay các giao dịch Bitcoin thông thường với blockchain chỉ có thể tiến hành 3 giao dịch/giây, với những giao dịch nhỏ lẻ có thể thực hiện 7 giao dịch/giây. Trong khi giao dịch thanh toán qua thẻ Visa có thể thực hiện lên tới 10.000 giao dịch/giây.
Thậm chí, giữa các block giao dịch thường có độ trễ trung bình 10-30 phút mới hoàn tất một giao dịch thanh toán bằng bitcoin thông qua blockchain hiện nay.
“Bitcoin chưa thể thay thế cho thanh toán Visa, nhưng đã có thể cạnh tranh trên bình diện, việc sử dụng blockchain trong thanh toán sẽ không phải trả tiền cho bên trung gian”, vị đại diện ICAEW cho biết.
Đặc biệt, ông David cho hay giao dịch Bitcoin bằng blockchain hiện nay là giao dịch không cần mã hóa, mọi người đều có thể đọc được tất cả các chi tiết giao dịch từ trước đến nay. Ai cũng có thể tạo tài khoản giao dịch nếu muốn, nhưng tên người dùng là giả.
“Mọi giao dịch đều không có kết nối với người thực tế. Điều này đồng nghĩa với việc người giao dịch Bitcoin sẽ không bị lộ danh tính khi giao dịch”, ông David Lyford Smith khẳng định.
Chưa có quy định về tài sản ảo
Bên trong cuộc hội thảo, ông Nguyễn Cảnh Thăng – Phó trưởng phòng Pháp luật kinh tế ngành, Vụ pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp – cho biết hiện nay, các hoạt động giao dịch liên quan đến tiền ảo như Bitcoin đã được nhiều cá nhân tham gia, nhưng việc bảo vệ hay điều chỉnh giao dịch như thế nào vẫn chưa được pháp luật quy định.
Các quy định về tài sản bên ngoài rất cụ thể, nhưng tài sản ảo hiện nay cũng chưa có quy định.
Theo Quyết định 1255/QD-TTg về đề án tiền ảo, tiền điện tử và tài sản ảo thì tiền điện tử được xem là phương tiện thanh toán.
“Tiền điện tử được thể hiện ra như ví điện tử với tỷ lệ quy đổi 1:1 với tiền mặt ngoài thực tế được pháp luật công nhận. Những thứ chưa được quy định thì không được coi là tiền điện tử, như bitcoin không được coi là tiền điện tử sử dụng trong thanh toán”, ông Thăng cho biết.
Ông Thăng cũng chia sẻ thêm trong một số giao dịch thanh toán, mua bán tài sản ảo trên mạng nhưng sử dụng tiền thật, khi chuyển đổi sẽ có những tranh chấp phát sinh. Pháp luật cần có quy định rõ ràng mới đảm bảo việc xử lý tranh chấp công bằng cho người giao dịch.
“Tài sản ảo là vấn đề rất rộng so với tiền ảo, tiền điện tử. Nếu coi tài sản ảo là tài sản, hàng hóa sẽ liên quan tới nhiều vấn đề khác, đặc biệt là thuế”, ông Thăng nói.
Theo Zing